Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng

KINHTENNEWS - Sáng 05/7, tại TP.HCM, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng: Kinh nghiệm Việt Nam, Thực tiễn quốc tế và Định hướng chính sách.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Ban quản lý dự án cấp tỉnh, thành phố, UBND cấp tỉnh, thành phố, Ban quản lý dự án thuộc các bộ, ban, ngành cùng các doanh nghiệp đang quan tâm đến hình thức đối tác công – tư, các Cty xây dựng tham gia vào quá trình cơ cấu nên mô hình tài chính của dự án PPP về kết cấu hạ tầng.

Hội thảo bao gồm hai phiên, phiên thảo luận 1: Một số thông tin về khuôn khổ pháp lý và triển vọng của mô hình PPP kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và một số chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc; Phiên thảo luận 2 về: Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Phòng ngừa tranh chấp đầu tư tại các dự án PPP kết cấu hạ tầng bằng trọng tài thương mại và hòa giải thương mại.


Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – CN TPHCM nhấn mạnh nỗ lực của VCCI, với tư cách là tổ chức đại diện cho tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, tham gia tích cực vào quá trình góp ý chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước.

Ông Liêm nhận định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình hợp tác công tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo số liệu từ Chính phủ khi tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm tháng 1/2019, cả nước đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó có 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác), với tổng số vốn huy động được lên đến hơn 1.600.000 tỷ đồng.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Luật sư thành viên YKVN, đã trình bày về khái quát về bản chất mối quan hệ công – tư trong mô hình hợp tác này; một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho cả phía Nhà nước và cả phía nhà đầu tư. Ông Nghĩa cũng nêu ra các phương thức mà luật pháp cũng như các Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp đình thương mại mà Việt Nam tham gia đã cung cấp cho khối tư nhân để bảo vệ khoản đầu tư của mình khi có tranh chấp; trong đó ông Nghĩa nhấn mạnh những ưu điểm của các phương thức dân sự/thương mại & phương thức đối thoại (hòa giải), giúp giảm thiểu căng thẳng; tránh nguy cơ tạo ra các vụ kiện chính phủ.

Trong đó, tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư có thể liên quan đến dự toán đầu tư, thời gian thu hồi vốn và mức phí, giải phóng mặt bằng, vị trí đặt trạm BOT, quyết toán dự án…

Trong khi đó, tranh chấp trong mối quan hệ giữa các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân thường liên quan đến mức phí, vị trí đặt trạm BOT, đối tượng chịu phí, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… Những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện dự án PPP cần phải được các bên liên quan tìm cách tháo gỡ, xử lý kịp thời để tránh nguy cơ leo thang tranh chấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh chung của đất nước.

Ông Lee Ho Won, Chủ tịch Ủy Ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa KCAB và VIAC và mục tiêu chung của hai tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện chuyên môn phục vụ không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc mà còn các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tìm tới Việt Nam như là một điểm đến đầu tư khả thi và ổn định. 

Đồng quan điểm trên, đại diện VIAC cho biết, khi xảy ra tranh chấp trong các hợp đồng PPP, các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp bằng nhiều hình thức khác nhau như sử dụng tòa án, trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Trong đó, hiện nay, sử dụng trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại đang là xu hướng được lựa chọn ngày càng phổ biến và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thực hiện dự án PPP.

Phú Cường.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889