Cuộc đua dịch vụ lưu trú mới

KINHTENEWS - Điều này càng thể hiện rõ ở thị trường Việt Nam, nơi mà nguồn cung khách sạn truyền thống vẫn chưa đủ để phục vụ cho lượng khách du lịch ngày càng tăng trong mùa cao điểm - nghiên cứu của JLL nhìn nhận.

Bằng việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho khách du lịch, mô hình dịch vụ mới như Airbnb và homestay đã chiếm được thị phần đáng kể trong ngành khách sạn và lưu trú. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Công ty JLL Việt Nam cho thấy khách sạn truyền thống ít bị ảnh hưởng bởi các nền tảng chia sẻ nhà ở trực tuyến hơn dự kiến.

Dịch vụ homestay được nhiều du khách nước ngoài ưa thích.

Mặc dù các nền tảng dịch vụ lưu trú này chưa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng ngành khách sạn truyền thống không nên đánh giá thấp tiềm năng của mô hình này. Thế hệ sinh sau năm 2000 ngày nay thoải mái hơn trong nền kinh tế chia sẻ, bằng chứng là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của hệ thống gọi xe Grab và dịch vụ lưu trú Airbnb tại Việt Nam.

Xu hướng kinh tế chia sẻ mang đến cho thị trường những cơ hội đầu tư mới, bất kể số lượng vốn hay tài sản. Theo báo cáo khảo sát khách sạn năm 2017 của Grant Thornton, Airbnb đã tăng trưởng ấn tượng và cung cấp hơn 16.000 đơn vị lưu trú cho thị trường Việt Nam. Mô hình dịch vụ này nổi lên tại các thành phố lớn có nhu cầu du lịch cao như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa,…

Mô hình lưu trú mới cung cấp nhiều loại hình không gian bao gồm cả biệt thự, nhà phố, căn hộ và bungalow, những nơi đủ chỗ cho lượng khách lớn hơn so với phòng khách sạn thông thường. Có thể nói, Airbnb và homestay đang tạo ra một thị trường khách sạn bổ sung cho khách du lịch và thu hút thế hệ người trẻ millennials - lứa tuổi du lịch linh hoạt và không ngừng tìm kiếm trải nghiệm.

Mô hình cho thuê phòng ngắn hạn bắt đầu với ý tưởng kết nối khách du lịch phượt và những ngôi nhà nhàn rỗi. Khách thuê muốn tìm một chỗ qua đêm có giường ngủ thoải mái và giá cả phải chăng. Chủ nhà có sẵn phòng trống chưa sử dụng trong cùng nhà hoặc thậm chí là cho thuê nguyên căn khi họ đi vắng vào cuối tuần, việc cho thuê giúp gia chủ có thêm thu nhập ngoài dự kiến.

Các chuyên gia của JLL Việt Nam đánh giá, nguồn thu đáng kể trên đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào mô hình mua nhà để cho thuê, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn sau đó có thể đầu tư cho thuê lại ngắn hạn với giá cao hơn. Tuy nhiên, có không ít nhà đầu tư nhận ra rằng tổng doanh thu trong một tháng không đủ để trả được tiền thanh toán định kỳ hoặc tiền lãi.

Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư vào Airbnb và homestay, chủ nhà cần lưu ý một số điểm. Đầu tiên là yếu tố địa điểm. Nếu bạn đang tập trung vào các dịch vụ cho thuê ngắn hạn, hãy chọn bất động sản gần địa điểm du lịch hoặc sân bay. Bất động sản nên được kết nối với hạ tầng giao thông tốt và các tiện ích đi kèm như cửa hàng tiện lợi hoặc khu ẩm thực.

Yếu tố thứ hai không thể lơ là chính là khâu quản lý. Việc quản lý nhiều địa điểm lưu trú trong cùng thời điểm là điều không dễ dàng.Vì vậy, chủ nhà nên thuê nhân viên quản lý có kinh nghiệm để đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.

Đặc biệt, cần ưu tiên các yếu tố trải nghiệm. Trước khi đầu tư, hãy nghĩ xem cơ sở của bạn mang lại điều gì tuyệt vời hơn những khách sạn truyền thống trong cùng mức giá. Phần lớn khách du lịch phượt sẽ chọn phương án nhà ở trải nghiệm thay vì phòng khách sạn truyền thống, dân du lịch mong muốn có những trải nghiệm thú vị với người dân địa phương, hiểu thêm về văn hóa, ăn thêm một món lạ, những kiểu trang trí độc nhất.

Một điều không thể thiếu là nhà đầu tư phải nắm rõ những thủ tục đăng ký kinh doanh cần thiết cho mô hình lưu trú này tại các thị trường mục tiêu, nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh được thuận lợi và lâu dài.

Sự phát triển của Airbnb chính là chất xúc tác cho các khách sạn truyền thống thay đổi và cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ. Tại những thành phố lớn của Việt Nam, việc thuê nhà có hợp đồng dài hạn sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh nguồn cung gia tăng. Mô hình cho thuê lưu trú ngắn hạn sẽ là một giải pháp tốt cho vấn đề này” - JLL khuyến cáo.

Phú Cường.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889