Grab tuyên bố 'phải thành hãng taxi là bước lùi của Cách mạng 4.0'

Kinhtenews - Grab cho rằng nếu chiều theo ý của một số hãng taxi truyền thống là cái cúi đầu trước "những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc".

Hôm nay (25/10), Công ty TNHH Grab đã gửi văn bản đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô.

Grab nói cảm thấy "hết sức bất ngờ và quan ngại" với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông - Vận tải vừa trình lên Chính phủ.

Cụ thể, ôtô từ 9 chỗ trở xuống không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử. Đồng thời, tất cả đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải (theo Điều 3.2 và Điều 3.7 của Dự thảo).

"Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại", công ty nhận xét.

Grab phản đối Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô.

Theo Grab, Đề án thí điểm đã thúc đẩy phát triển thị trường vận tải, hỗ trợ cơ quan nhà nước phương án quản lý hữu hiệu bằng công nghệ và là nguồn cảm hứng cho 4.0 tại Việt Nam. Công ty đang cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân hàng tháng, có 175.000 đối tác tài xế và nộp 270 tỷ đồng tiền thuế trong 9 tháng đầu năm nay.

Grab khẳng định rất nhiều doanh nghiệp taxi "đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt" với hãng, cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác. Tuy nhiên, cũng còn "những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh", công ty mô tả, đồng thời cho rằng việc định danh xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi, và định danh đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử là công ty taxi chính là đề xuất của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống. Theo hãng, điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật cũng như là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, đầu tư – kinh doanh của Việt Nam.

"Chúng tôi cần phải nhấn mạnh rằng việc thông qua Dự thảo lần này, chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi, là cái cúi đầu trước 'những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc' trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải", văn bản do ông Lim Yen Hock - Giám đốc Công ty TNHH Grab ký trình.

Hôm 24/10, Thường trực Tổ công tác của Chính phủ cũng công bố, kết quả rà soát, kiểm tra Hồ sơ của Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Tổ công tác cho rằng, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ, loại hình xe công nghệ như Grab, Uber chính là loại hình taxi. Đối tượng này phải chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi bằng cụm từ “xe hợp đồng điện tử” để lách luật, trốn thuế, né được nhiều chi phí và hưởng ưu đãi hơn so với taxi truyền thống.

Cơ quan này lý giải, sự khác nhau hiện nay giữa Grab, Uber với taxi truyền thống là Grab, Uber ứng dụng phần mềm thay thế phương pháp điều hành truyền thống, đổi mới công tác quản lý... nên giá cước rẻ hơn taxi truyền thống.

Tuy nhiên, đây là hiệu quả kinh doanh làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, không phải vì như vậy mà gọi là loại hình “hợp đồng điện tử” để không chịu sự quả như lý như taxi. 

Viễn Thông.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889