Lào cấm nhập khẩu lợn và thịt lợn Trung Quốc vì dịch tả

Kinhtenews - Nhà chức trách Lào ngừng nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến lợn từ Trung Quốc sau khi dịch tả lợn bùng phát ở nước này.

Một trại chăn nuôi lợn ở Lào. Ảnh: Vientiane Times.

Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào hôm 5/9 ban hành thông báo cấm nhập khẩu lợn sống, lợn con, lợn giống và các sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở tỉnh Liêu Ninh, tây bắc Trung Quốc, theo Vientiane Times.

Thông báo yêu cầu các sở nông nghiệp và lâm nghiệp trên cả nước phải tăng cường cảnh giác ở mức cao nhất bởi virus tả lợn rất nguy hiểm, không có cách chữa trị và tỷ lệ chết của những con lợn nhiễm bệnh lên tới 90%. 

Cục Chăn nuôi và Đánh bắt trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào sẽ cử nhân viên phối hợp cùng các bác sĩ thú y tại nhiều cửa khẩu biên giới để kiểm tra, giám sát lệnh cấm nhập khẩu lợn từ Trung Quốc. 

Việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn cho tiêu dùng cá nhân cũng bị hạn chế nghiêm ngặt và bất kỳ ai phát hiện ra các mặt hàng nhập khẩu bất hợp pháp đều sẽ bị phạt. Nhà chức trách Lào sẽ làm việc với các bên liên quan để lập kế hoạch sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về thịt lợn.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), dịch tả lợn châu Phi khởi phát ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8, sau đó lan ra 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh nước này. 

FAO cảnh báo dịch tả lợn châu Phi "gần như chắc chắn" sẽ tấn công các nước khác, chủ yếu qua các sản phẩm thịt lợn đã qua hoặc chưa qua chế biến. Nguy hiểm hơn, việc đối phó, kiểm soát dịch được đánh giá là "cực kỳ vất vả" bởi virus tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trời trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi. Trước tình hình dịch bệnh, Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn, đồng thời cấm vận chuyển lợn tại các ổ dịch. 

Bệnh tả lợn châu Phi được phát hiện ở châu Phi cách đây gần một thế kỷ. Nó thường gây tử vong ở lợn nhưng không hại con người. Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa tả lợn châu Phi. 

Huyền Lê
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: vnkinhtenews@gmail.com

Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889