KINHTENEWS - Cua lột đông lạnh được giới thiệu nhập từ Myanmar, bán tràn lan trên mạng với giá 200.000 đồng một kg, bằng một nửa cua Việt, có nơi rẻ bằng một phần ba.

Cua lột là đặc sản ở các vùng sông nước và khá khan hiếm trên thị trường. Hàng năm, loại này thường có giá cao gấp đôi so với các loại cua thường. Tuy nhiên, gần đây trên các chợ hải sản online hay các khu chợ của cư dân chung cư, chúng được rao bán với giá 200.000-350.000 đồng một kg (tùy kích cỡ), ngang với hàng thường và rẻ bằng một nửa so trước đây.

"200.000 đồng cho một set 10 con (khoảng một kg), giá rẻ chưa từng có", chị Oanh, ở quận Tân Bình, rao bán trên mạng.

Theo chị Oanh, với giá bán siêu rẻ nên mấy ngày qua, chị tiêu thụ 30-50 set mỗi ngày. Loại này ăn được toàn bộ từ càng đến bụng, phù hợp với cả em bé và người lớn.

Con cua lột đông lạnh sau khi được rã đông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đã bán hàng trăm thùng cua lột được giới thiệu nhập từ Myanmar với giá 350.000 đồng một kg, chị Thanh Hà cho biết loại có size lớn nhất khoảng 8 con một kg. Khách mua số lượng trên 10 thùng sẽ được giá ưu đãi hơn.

"Cua lột này đóng gói cẩn thận trong hộp giấy, được nhập từ Myanmar, hạn sử dụng đến năm 2025. Tùy trọng lượng mà có giá khác nhau. Nếu mua size nhỏ hơn, giá sỉ chỉ khoảng 250.000 đồng", chị nói.


Chị Hà cho rằng do loại cua này được nhập về số lượng lớn bằng đường tàu, giá rẻ hơn so với nhập đường hàng không. Ngoài ra, năm nay cua lột xuất đi các nước Mỹ, EU gặp khó nên đổ sang thị trường Việt Nam khiến giá giảm mạnh.

Là vựa chuyên bán thủy hải sản ở Bình Chánh (TP HCM), bà Bích Tuyền cho biết trên thị trường đang có hai loại: cua lột tươi sống thiên nhiên của Việt Nam và hàng đông lạnh nhập khẩu. Hàng đông lạnh đang ồ ạt vào với số lượng lớn. Có đêm, nhiều đầu mối nhập về hàng tấn cua, giá rẻ bằng một nửa so với hàng Việt tươi sống. Tuy nhiên, vì là hàng đông lạnh nên chất lượng thịt cua sẽ bị giảm. Nếu để càng lâu, phần thịt cua có thể giảm một nửa và ăn mất mùi vị đặc trưng.

Bà Tuyền cho biết đang bán cả hai loại nhưng hàng động lạnh bị khách phàn nàn nhiều hơn. Còn loại trong nước giá 550.000-750.000 đồng một kg và không dễ mua vì nguồn cung thấp.

Cua đông lạnh được đóng gói trong thùng giấy một hộp 8-10 con. Ảnh: Linh Đan

Theo người nuôi cua ở Cà Mau, cua lột trên thị trường hiện nay đa phần là đông lạnh, vì hàng trong nước đang cuối vụ. Người tiêu dùng khi mua cần xem ngày đóng gói vì hàng để lâu cua sẽ óp và ra nước nhiều. Thông thường, hải sản đóng gói để quá 6 tháng chất lượng sẽ giảm mạnh.

Cua lột hay còn gọi là cua bấy. Trong quá trình lớn lên, cua có nhiều giai đoạn lột xác. Do đó, để bắt được những con cua lột thiên nhiên không nhiều. Thông thường, từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, cua lột xác nhiều lần nhất. Mỗi lần lột, cua lớn gấp rưỡi, gấp đôi so với lúc chưa lột. Từ ngày lột đến lúc thân cứng mất 20-25 ngày.

Hồng Châu
KINHTENEWS - Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết công ty đang xem xét hoạt động sản xuất tại Indonesia.

Thông tin được CEO Apple cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo sáng 17/4 tại Jakarta. "Chúng tôi đã thảo luận về mong muốn của Tổng thống liên quan đến việc thúc đẩy sản xuất và đó là điều Apple sẽ chú ý đến", ông nói với phóng viên sau cuộc gặp.

Cân nhắc của Apple diễn ra trong bối cảnh công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, nơi lắp ráp phần lớn sản lượng iPhone và iPad. Họ đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ, nhất là từ sau đại dịch.

"Tôi nghĩ khả năng đầu tư vào Indonesia là không giới hạn. Có rất nhiều nơi tuyệt vời để đầu tư và chúng tôi đang triển khai. Chúng tôi tin tưởng vào đất nước này", Tim Cook nói.

CEO Apple sau cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo sáng 17/4 tại Jakarta. Ảnh: AP

Chuyên nghiên cứu về công nghệ và địa chính trị, Phó giáo sư Chris Miller tại Đại học Tufts (Massachusetts, Mỹ) cho rằng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và nỗ lực của Bắc Kinh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nội địa, Apple cần có các giải pháp sản xuất thay thế.

"Họ đã đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ và Việt Nam, nhưng có thể đang xem xét các đối tác khác ở Đông Nam Á để bổ sung các hoạt động sản xuất và lắp ráp", ông nhận định.


Chuyến thăm của Tim Cook đến Indonesia diễn ra sau khi Apple công bố Học viện phát triển Apple thứ tư ở nước này, trụ sở tại Bali. Công ty lần đầu triển khai chương trình đào tạo các nhà phát triển ứng dụng nước này năm 2018, tại Jakarta.

Nhiều năm qua, Indonesia đã nỗ lực thu hút sản xuất vào Indonesia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ của Widodo đã cố gắng tận dụng nguồn nickel và các khoáng sản khác của đất nước để thúc đẩy sản xuất, bằng cách cấm xuất khẩu các nguyên liệu như nickel và bauxite để bắt các công ty phải xây dựng nhà máy luyện kim trong nước.

Gần đây, các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm. Đầu tháng 4, Nvidia và công ty viễn thông PT Indosat Ooredoo Hutchison của Indonesia công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm trí tuệ nhân tạo tại thành phố Surakarta, Trung Java trị giá 200 triệu USD.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi cho biết CEO Microsoft Satya Nadella sẽ đến thăm Indonesia vào cuối tháng 4.

Phiên An
KINHTENEWS - Greenfeed Việt Nam - Top 5 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và sở hữu chuỗi thực phẩm thương hiệu G Kitchen mới công bố kết quả kinh doanh 2023 với lãi sau thuế đạt 438 tỷ đồng, cao hơn 20 tỷ đồng (4.9%) so năm 2022.

Đây là một trong số các chỉ số tài chính được nhắc đến trong bản công bố thông tin định kỳ của Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Năm 2022, Greenfeed Việt Nam lợi nhuận sau thuế gần 417 tỷ đồng.


Báo cáo tài chính cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu của Greenfeed tăng thêm hơn 373 tỷ đồng (10.4%) so cuối năm 2022, lên mức hơn 3.967 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Greefeed giảm ngoạn mục từ 1.71 lần xuống còn 1.38 lần, tương ứng nợ phải trả 5.469 tỷ, giảm 11% so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, trong cơ cấu tổng tài sản công ty có một lô trái phiếu đang lưu hành lên tới 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này là khoản đầu tư của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho Greenfeed. Tới nay, hệ số nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu giảm từ 0.28 lần xuống còn 0.25 lần tại thời điểm cuối năm 2023.

Ngay sau khi được IFC đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, Greenfeed Việt Nam mở rộng quy mô mảng kinh doanh chăn nuôi heo giống và heo thương phẩm, đồng thời mở rộng mảng thức ăn chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Sau sự kiện thay đổi Logo và tái định vị thương hiệu năm 2020, doanh nghiệp này công bố tầm nhìn chiến lược và tham vọng tăng trưởng theo mô hình 3F+ (chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn).


Trước đó, năm 2018, Greenfeed Việt Nam đã thực hiện nỗ lực khép kín “chuỗi” bằng việc ra mắt thương hiệu thịt và các sản phẩm từ thịt heo G, được phân phối kinh doanh qua các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Bách Hóa Xanh, Tops Market, Kingfoodmart... và chuỗi hệ thống cửa hàng bán lẻ mang chính thương hiệu G Kitchen.


Năm 2023, Greenfeed kỷ niệm 20 năm thành lập và được vinh danh xếp hạng 05 trong Top 10 Công ty thức ăn chăn nuôi uy tín (VNR - Vietnam Report). Đơn vị có thâm niên trong ngành thức ăn chăn nuôi sở hữu hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar, tổng công suất hàng năm trên 2 triệu tấn sản phẩm.

Greenfeed Việt Nam 05 lần liên tiếp được vinh danh là “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á”, trở thành đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực Nông nghiệp - Thực phẩm giành chiến thắng ở hạng mục này trong lễ trao giải APEA 2023 diễn ra hằng năm, gần nhất vào ngày 05/10/2023.

Phú Cường
KINHTENEWS - Năm nay, Cần Giờ được chuyển 190,71 ha đất sang phi nông nghiệp, nhiều nhất là ở thị trấn Cần Thạnh.

Thông tin được nêu tại quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 tại huyện Cần Giờ vừa được UBND TP HCM ban hành hồi đầu tháng.

Trong 7 địa phương có đất chuyển đổi, nhiều nhất là thị trấn Cần Thạnh (43,38 ha), tiếp đến xã An Thới Đông (34,80 ha), Lý Nhơn (33,42 ha), Tam Thôn Hiệp (31,31 ha), Bình Khánh (27,33 ha), Long Hòa (20,25 ha) và ít nhất là xã đảo Thạnh An (0,22 ha).

Năm nay, có ba loại đất nông nghiệp được chuyển đổi gồm đất trồng cây lâu năm chiếm gần 44% (83,55 ha), kế đến là đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản đều chiếm lần lượt 25%, ít nhất là đất làm muối (2,1 ha).

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thành phố cho phép Cần Giờ chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 68,54 ha như chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc sang nuôi trồng thủy sản...

Trong năm nay, huyện này chỉ được chuyển 400 m2 đất phi nông nghiệp không phải là đất ở tại xã Lý Nhơn sang đất ở.


Cần Giờ rộng 71.300 ha, với hơn 70.000 dân, nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km. Địa phương này hiện có hơn 46.875 ha đất nông nghiệp, 22.540 ha đất phi nông nghiệp và 1.029 ha đất chưa sử dụng.

Đây là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với chiều dài 23 km, nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và các điều kiện tự nhiên phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Định hướng của TP HCM đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây. Thành phố mong Cần Giờ có thể góp phần tạo sự tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hóa ở đây.

P/V
KINHTENEWS - Nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng trưởng hơn 5% trong quý I, củng cố khả năng đạt mục tiêu GDP năm nay.

Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) sáng 16/4 công bố GDP quý I nước này tăng 5,3% so với năm ngoái. Tốc độ này cao hơn dự báo và nhỉnh hơn quý cuối năm 2023.

Số liệu GDP xoa dịu phần nào sức ép với giới chức Trung Quốc. Họ đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5% năm nay. Mức này tương đương năm ngoái, nhưng được dự báo khó đạt vì nền so sánh cao hơn.

Đến nay, chính phủ Trung Quốc đã tung hàng loạt chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ để đạt mục tiêu trên.

"Kết quả này là tích cực, có thể giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng. Đà tăng dường như đã ổn định", Jeff Ng - Giám đốc chiến lược vĩ mô châu Á tại SMBC Singapore nhận định.


So với quý trước đó, GDP quý I của Trung Quốc tăng 1,6%. Tốc độ này cũng cao hơn dự báo.

Trong tháng 3, sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với năm ngoái. Doanh số bán lẻ cũng thêm 3,1%. Tuy nhiên, hai số liệu này đều thấp hơn dự báo và chậm lại so với 2 tháng đầu năm. Cùng đó, tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố lớn giảm về 5,2%, chấm dứt chuỗi tăng 3 tháng liên tiếp.

Lũy kế quý đầu năm, đầu tư vào tài sản cố định tăng 4,5% so với năm ngoái.

"Các số liệu thoạt nhìn có vẻ ổn. Nhưng tôi sợ rằng đà tăng về cuối năm sẽ yếu", Alvin Tan - Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets nhận định.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do tác động từ Covid-19, khủng hoảng bất động sản, nợ chính quyền địa phương tăng cao và đầu tư tư nhân yếu.

Tuần trước, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch hạ triển vọng tín dụng của Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Fitch lo ngại rủi ro với tài chính công, khi Bắc Kinh chuyển hướng đầu tư sang cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghệ cao, thay vì bất động sản. Giới phân tích dự báo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), kích thích tiêu dùng năm nay để hỗ trợ tăng trưởng.

Hà Thu
KINHTENEWS - Ngày 15/04, Công ty TNHH BHNT Generali Việt Nam chính thức ra mắt ra mắt Bộ Hợp Đồng Bảo Hiểm phiên bản thân thiện môi trường nhân dịp kỷ niệm 13 năm hoạt động tại Việt Nam. Với mỗi bộ Hợp đồng trao tay khách hàng, Generali Việt Nam hy vọng sẽ nhân 3 giá trị tích cực: trao giải pháp An toàn tài chính; sử dụng chất liệu Lành cho Trái đất, và đóng góp thiết thực cho cộng đồng qua việc góp 50.000 cây giống, tạo sinh kế cho đồng bào.

Bằng việc thay đổi chất liệu sản xuất bộ Hợp Đồng Bảo Hiểm sang loại giấy thân thiện với môi trường, Generali Việt Nam mong muốn có thể ươm một hạt mầm nhỏ trên hành trình vun đắp tương lai Bền Vững, giúp hạn chế việc chặt cây và bảo tồn rừng tự nhiên. Bộ hợp đồng mới có thiết kế mỏng hơn đến 90%, nhẹ hơn 85% so với phiên bản cũ, giúp giảm tải khí thải vận chuyển, góp phần thanh lọc nguồn không khí. Chất liệu giấy có thể tái chế 100% cùng quy trình sản xuất giấy sạch, tiết kiệm năng lượng hơn sẽ giảm chất thải ra môi trường, góp phần kiến tạo lối sống bền vững.

Không chỉ thay đổi về chất liệu và thiết kế, 100% tài liệu bên trong bộ Hợp Đồng Bảo Hiểm mới cũng được Generali cải tiến với ngôn từ dễ hiểu, giao diện dễ nhìn nhằm mang lại trải nghiệm “dễ chịu” hơn cho Khách hàng.


Trong dịp ra mắt phiên bản hợp đồng mới này, Generali Việt Nam cũng chính thức khởi động chương trình “Nhận một Hợp đồng, trao một cây giống”. Với mỗi Hợp đồng bảo hiểm được phát hành và trao tay Khách hàng từ nay đến 31/12/2024, Generali sẽ trao tặng một cây giống nha đam vào quỹ cây giống của chương trình phi lợi nhuận TreeBank thuộc Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển, góp phần tạo sinh kế cho đồng bào Raglai tại tỉnh Ninh Thuận.

Đồng bào người Raglai thường sống du canh du cư theo các triền đồi núi trong các vùng sâu và luôn thuộc nhóm cộng đồng nghèo nhất nước. Do đặc điểm thổ nhưỡng là đất cát nên việc trồng trọt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát từ Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển, cây giống Nha đam được Generali lựa chọn để gửi đến đồng bào Raglai vì trồng được trên cát, có thể tận dụng hết các thành phần của cây để sản xuất ra đa dạng sản phẩm, thực phẩm.

Đến nay, trong lịch sử 193 năm bảo vệ toàn cầu - 13 năm sát cánh Việt Nam, Generali vẫn đang kiên trì trên hành trình vun đắp tương lai Bền Vững, bắt đầu từ những hành động thiết thực được cải tiến và hoàn thiện mỗi ngày. Không chỉ là nhà cung cấp giải pháp bảo hiểm, Generali cam kết thực thi các vai trò: Công ty bảo hiểm có trách nhiệm, Nhà đầu tư có trách nhiệm, Nhà tuyển dụng có trách nhiệm và Công dân có trách nhiệm.

Bà Nguyễn Phương Anh, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ: “Bộ Hợp đồng phiên bản thân thiện môi trường chính là cam kết mạnh mẽ trong chiến lược phát triển bền vững của Generali tại Việt Nam. Đây sẽ là dấu ấn đẹp cho 13 năm thành lập công ty, cùng với đó là hàng loạt kế hoạch hành động để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho Khách hàng về mọi mặt”.

Ngày 20/04/2024, Generali Việt Nam kỷ niệm 13 năm có mặt tại Việt Nam với nền tảng vững chắc về danh mục sản phẩm đa dạng cùng trải nghiệm khách hàng dẫn đầu thị trường. Tổng chi trả quyền lợi cho Khách hàng trong năm 2023 đạt hơn 1.250 tỷ đồng, tăng 30% so với 2022. Chỉ số đo lường mức độ hài lòng toàn phần của khách hàng (R-NPS) dẫn đầu thị trường 3 năm liên tiếp (Theo báo cáo của công ty tư vấn Epiphany-RBC).

 Phú Cường
KINHTENEWS - Ngày 11/04/2024, Công ty TNHH BHNT Generali Việt Nam (“Generali Việt Nam”) lần thứ 5 được vinh danh tại hệ thống giải thưởng Rồng Vàng (*), công bố tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) 2024 với danh hiệu “Công ty bảo hiểm dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và trải nghiệm khách hàng tại Việt Nam”.

Trong Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023-2024 được vinh danh, Generali Việt Nam được ghi nhận với nhiều thành tựu nổi bật về đổi mới và nâng cao trải nghiệm khách hàng về mọi mặt.


Bà Nguyễn Phương Anh, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam, chia sẻ: “Với chiến lược kinh doanh trên cơ sở lấy khách hàng làm trọng tâm, chúng tôi rất tự hào khi chỉ số đo lường mức độ hài lòng toàn phần của khách hàng (R-NPS) của Generali đã dẫn đầu thị trường 3 năm liên tiếp (Theo báo cáo của công ty tư vấn Epiphany-RBC). Đây là thành quả của những nỗ lực không ngừng và tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe phản hồi của khách hàng và dựa vào đó để xây dựng kế hoạch hành động nhằm mang lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất. Tiếp tục được vinh danh tại giải thưởng Rồng Vàng năm nay sẽ là động lực để chúng tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm dịch vụ, thực hiện đúng cam kết trở thành Người bạn Trọn đời của hàng triệu gia đình Việt Nam”.

Trong nhiều năm qua, Generali Việt Nam đã triển khai riêng chương trình Đo lường mức độ hài lòng của Khách hàng (T-NPS) để khảo sát ý kiến và ghi nhận phản hồi Khách hàng ngay từ khi phát sinh giao dịch. Đây chính là cơ sở để thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng lẫn những vướng mắc của Khách hàng, từ đó giúp cải thiện rõ rệt điểm số NPS (cả T-NPS và R-NPS) lên mức dẫn đầu thị trường như hiện nay.


Generali còn đầu tư mạnh vào chuyển đổi số giúp 100% công tác phục vụ khách hàng có thể thực hiện “không giấy” trên hệ sinh thái kỹ thuật số GenVita, như Tiếp nhận Hợp đồng điện tử, Tra cứu thông tin Hợp đồng, Yêu cầu quyền lợi bảo hiểm, Đóng phí bảo hiểm, Điều chỉnh thông tin hợp đồng, Điều chỉnh định kỳ đóng phí, Yêu cầu rút tiền v.v.…

Đặc biệt dịch vụ Giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng cũng được công ty cải tiến và tự động hóa mạnh mẽ. 100% cơ sở y tế được kết nối trực tiếp giúp việc bảo lãnh viện phí cho khách hàng trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn. Ngoài gỡ bỏ yêu cầu nộp chứng từ gốc bằng giấy, Generali Việt Nam đã tối ưu hóa quy trình giao dịch trực tuyến, khách hàng chỉ mất 2 phút để nộp yêu cầu, 30 phút để nhận phản hồi và nhận được chi trả trong 48 giờ sau khi được chấp thuận. Đến nay, hơn 85% khách hàng của Generali đã sử dụng dịch vụ yêu cầu giải quyết quyền lợi trực tuyến qua ứng dụng GenVita, một tỷ lệ khá ấn tượng trong ngành bảo hiểm.


Cũng trong năm 2023, Generali đã tiên phong trong việc triển khai định danh điện tử bắt buộc e-KYC, giúp nâng cao bảo mật thông tin cá nhân, hợp đồng bảo hiểm và an toàn giao dịch cho khách hàng.

Công ty đồng thời thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để nâng cao trải nghiệm khách hàng như dự án “B1 language - Ngôn ngữ B1” để giúp khách hàng dễ nhìn, dễ nhớ, dễ chịu hơn khi tiếp cận với bảo hiểm. Sau 3 năm bền bỉ, thành quả của Generali Việt Nam là 100% tài liệu được làm mới (hơn 192 thư từ, văn bản, ấn phẩm bảo hiểm, 224 loại thư tín điện tử và 2 bộ điều khoản hợp đồng) được cải tiến toàn diện về nội dung lẫn hình thức. Những con số không chỉ nói lên nỗ lực đơn giản hóa ngôn ngữ bảo hiểm mà còn khẳng định đóng góp của Generali Việt Nam trong hành trình minh bạch hóa bảo hiểm nhân thọ.

Phú Cường


Kinh tế News ©


Email: kinhtenews@gmail.com
Ghi rõ nguồn Kinhtenews khi phát hành lại những thông tin này!

Văn phòng Miền Bắc: Tòa nhà ACB, 10 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn Phòng Miền Nam: An Phú Plaza,117-119 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3
ĐT:(08) 38 330 888 - Fax: (08) 38 330 889